Màn hình tần số quét cao là trang bị xuất hiện lần đầu trên smartphone Android kể từ cách đây hơn 2 năm trước, khởi nguồn từ chiếc Asus ROG Phone hồi cuối năm 2018 với màn hình 90Hz. So với tần số quét 60Hz thông thường, màn hình tần số quét cao sẽ giúp mọi chuyển động trên màn hình trở nên mượt mà hơn, đặc biệt thấy rõ ở các hoạt cảnh (animation) của hệ điều hành hay các tác vụ cuộn (scroll) ở website hay danh sách bất kỳ.
Giờ đây, màn hình tần số quét cao gần như đã trở thành trang bị bắt buộc mà mọi smartphone Android cao cấp cần phải có. Thậm chí, tính năng này còn xuất hiện ở không ít smartphone Android giá rẻ và tầm trung, ví dụ như một số sản phẩm có giá chỉ khoảng 5-6 triệu đồng như POCO X3 cũng có màn hình 120Hz.
Ấy vậy, dòng smartphone được đánh giá là “đỉnh cao” và cũng thuộc vào hàng đắt tiền nhất hiện nay là iPhone lại không có được công nghệ này. Đây là một điều hết sức bất ngờ, bởi thực tế Apple là một trong những nhà sản xuất đầu tiên tiên phong trong công nghệ màn hình tần số quét cao trên thiết bị di động với chiếc iPad Pro 10.5 năm 2017.
Trong suốt những năm qua, những tin đồn về việc Apple sẽ mang công nghệ tần số quét cao lên những chiếc iPhone liên tục xuất hiện. Thế nhưng vì một lý do nào đó, tất cả những tin đồn này đều không trở thành sự thật, và tính đến nay vẫn chưa có một chiếc iPhone nào với màn hình tần số quét cao được ra mắt.
Điều này khả năng rất có thể sẽ thay đổi trong năm nay. Cụ thể, theo thông tin từ trang báo Hàn Quốc TheElec, Apple vừa thoả thuận hợp tác với một công ty của nước này trong việc cung cấp linh kiện quan trọng của iPhone 13. Và công ty đó, không còn ai khác, chính là Samsung.
Cụ thể, Samsung Electro-Mechanics sẽ trở thành đối tác của Apple nhằm cung cấp một linh kiện quan trọng mang tên “RFPCB”. RFPCB, hay viết tắt của Rigid-Flexible Printed Circuit Board, là một bảng mạch kết nối giữa màn hình OLED và bo mạch chủ. RFPCB cũng là thứ giúp cho màn hình iPhone hỗ trợ tần số quét 120Hz. Bên cạnh Samsung Electro-Mechanics, một đối tác khác từ Hàn Quốc là Youngpoong Electronics cũng sẽ sản xuất bảng mạch RFPCB phục vụ cho thế hệ iPhone tiếp theo.
Theo thông tin của TheElec, hai model iPhone 13 cao cấp là iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max sẽ sử dụng RFPCB; trong khi hai model iPhone 13 “bình dân” là iPhone 13 và iPhone 13 mini sẽ tiếp tục sử dụng màn hình 60Hz với công nghệ FPCP truyền thống (Flexible Printed Circuit Board).
Không chỉ bảng mạch RFPCB, Samsung cũng là nhà sản xuất panel màn hình của iPhone 13. iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max sẽ tiếp tục sử dụng màn hình OLED như những thế hệ trước đây, nhưng nay có thêm công nghệ LTPO. LTPO cho phép màn hình có thể điều chỉnh tần số quét dựa trên nội dung hiển thị, đem đến những cải tiến đáng kể về thời lượng pin so với màn hình không có công nghệ này. Thực tế, hiện Apple đã ứng dụng màn hình LTPO trên dòng sản phẩm Apple Watch Series 5/6.
Bên cạnh màn hình, thế hệ iPhone 13 còn dự kiến sẽ mang tới những nâng cấp về hiệu năng, camera và dung lượng pin. Thiết kế của iPhone 13 dự kiến không có quá nhiều thay đổi so với iPhone 12 hiện nay, tuy nhiên đã có một số tin đồn cho rằng iPhone 13 sẽ có “tai thỏ” tiết kiệm diện tích màn hình hơn và cụm camera lớn hơn.